Băn khoăn “số phận” Điều 165 Bộ luật Hình sự

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bỏ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165) để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh.
ban-khoan-so-phan-dieu-165-bo-luat-hinh-su
Tuy nhiên, qua thảo luận của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), vẫn có 2 luồng quan điểm cho rằng các hành vi vi phạm trong quản lý kinh tế cần được cụ thể hóa thành các tội phạm cụ thể. Nhưng cũng có ý kiến thì thấy vẫn cần tiếp tục duy trì tội danh này vì không thể dự liệu và cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này sẽ bỏ lọt tội phạm.
Nếu bỏ Điều 165 sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm”
Trong số những người không đồng tình bỏ Điều 165 tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Sùng A Hồng – Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên băn khoăn không có Điều 165 “sẽ bỏ lọt tội phạm” vì sẽ không thể xử lý những người thực hiện hành vi có động cơ, mục đích hành vi khác chuyển thể cấu thành tội cố ý làm trái.
Nêu lên “sức mạnh” của qui định về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: “Tội tham nhũng là tội ẩn, cho nên trong nhiều trường hợp, vì lý do khách quan và chủ quan mà không làm rõ được tính vụ lợi thì sử dụng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý”.
Do vậy, ông Khánh cho rằng: “Nếu bỏ tội này sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng trong giai đoạn hiện nay”.
Ủng hộ phải xử lý, bỏ hẳn hoặc quy định chặt chẽ hơn tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn, hiện nay quy định của Nhà nước thì không phát triển kịp với sự phát triển của nền kinh tế, nên thường lạc hậu nên căn cứ vào những quy định lạc hậu để xử lý một hoạt động, quyết định trong kinh doanh và trong quản lý là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” thì có đúng không?
Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng theo một số ý kiến, qui định như Dự thảo chưa rõ. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị cân nhắc, rà soát lại tất cả các tội hình sự liên quan đến các quan hệ kinh tế với dân sự.
Giữ Điều 165 sẽ khó xử cho “đặc thù”
Ngược lại, ông Nguyễn Bá Thuyền – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng lại đồng tình với đề xuất của Chính phủ bỏ Điều 165 bởi theo ông: “qui định tội “Cố ý làm trái nguyên tắc” thì xử ai cũng được khi trong cơ chế hiện nay “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” thì xử cách nào cũng được, tôi cột ông vào việc này rất dễ, rất nguy hiểm”.
Nhìn ở góc độ chống tham nhũng, không qui định tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ tránh được tình trạng bỏ lọt tội phạm tham nhũng. “Thực tế, rất nhiều tội tham nhũng được đưa sang xử tội cố ý làm trái và có thể xử rất nhiều người bởi vì rất nhiều người sai. Nếu chúng ta áp dụng BLHS này đưa vào xét xử thì rất nhiều người bị xử” – ông Thuyền phản ánh.
Dẫn ví dụ ở Lâm Đồng đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù mà đặc thù thì thường phải vượt ngoài phạm vi luật pháp, muốn đổi mới, muốn vươn lên bứt phá thì phải có “vượt khung, vượt rào” vì nếu trong khuôn khổ thì không có đặc thù, ông Thuyền khẳng định: “Không bỏ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì rất khó xử lý những tình huống “đặc thù”, có thể cản trở đến sự phát triển kinh tế của đất nước” dù chia sẻ với quan điểm “nếu bỏ tội này thì nhiều khi không xử được tội khác”.
Theo ông Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, trong lĩnh vực quản lý kinh tế hay nôm na là trong kinh tế thị trường thường có những qui tắc gọi là “luật chơi”. Những “luật chơi” này được quy định chế định mà không có chế tài mà chỉ qui định chung chung “nếu vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật”.
Do đó, “nếu chế định ngược lại là đưa tất cả các tội rõ ràng như Dự thảo này trong phần quản lý kinh tế, Chương XIX, Chương XX, bỏ Điều 165 thì vấn đề quan trọng nhất bây giờ phải xem các luật chuyên ngành như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Môi trường, những nội dung vi phạm nào thuộc chế tài xử lý hành chính, nội dung nào thuộc chế tài xử lý hình sự, nội dung nào thuộc chế tài trong điều khoản đang quy định của BLHS”.