Sáng 5/12, tại kỳ họp thứ 3 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV, đồng chí Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đã báo cáo về tác động sau 3 năm thi hành Luật Thủ đô.
Để thực hiện Luật Thủ đô, trên cơ sở Kế hoạch của UBND Thành phố, các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã kịp thời triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết. Với tinh thần khẩn trương, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thống nhất của các Bộ, ngành Trung ương, HĐND Thành phố khóa XIV đã thông qua 11 Nghị quyết tại kỳ họp lần thứ 7 (ngày 01 đến ngày 06/7/2013), UBND Thành phố đã ban hành 02 Quyết định (số 20 và 21 ngày 24/6/2013), đảm bảo kịp thời cụ thể hoá quy định của Luật Thủ đô (thời điểm có hiệu lực của Luật); tại các kỳ họp lần thứ 8 và 10, HĐND Thành phố đã thông qua 03 Nghị quyết. Đồng thời, UBND Thành phố đã ban hành 10 Quyết định quy định cơ chế, chính sách một số lĩnh vực cụ thể theo thẩm quyền.
Về kết quả cụ thể, việc triển khai lập quy hoạch các đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu, chi tiết và các quy hoạch khác được đẩy mạnh, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định Luật Thủ đô. Đồng thời, thành phố chỉ đạo việc rà soát quy hoạch đã được phê duyệt trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực để thực hiện điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch chung. Tính đến nay, Hà Nội đã lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt: Quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, huyện, thị trấn (05 đô thị vệ tinh, 14 huyện và 14 thị trấn thuộc huyện, thị trấn sinh thái); Quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội trên cơ sở định hướng của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (38 đồ án); Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (Quy hoạch cấp nước, thoát nước, nghĩa trang và xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050); Quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới (quy hoạch xã nông thôn mới đang được tiếp tục rà soát, cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng huyện, đảm bảo phù hợp với đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện đã được phê duyệt, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương); Quy hoạch chi tiết phục vụ triển khai các dự án đầu tư, quản lý trật tự, cấp phép xây dựng theo quy định. Thành phố đã phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng như: Bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Mê Linh, Cụm bệnh viện mắt Hà Nội và cơ sở 2 các Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội; Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, Công viên Yên Sở,…; Khu cụm trường Dục Tú – Mai Lâm…; Trụ sở các tổng công ty; quy hoạch công trình hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài…. Các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã cơ bản được hoàn thành, đảm bảo phù hợp và triển khai thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Về quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, Thành phố đã tổ chức rà soát, xây dựng danh mục đồ án đến năm 2020 gồm 56 đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường nhằm đảm bảo quy hoạch chi tiết trục đường mới trong đô thị, phải đảm bảo phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên khoảng 50m.
Về công tác di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục: Trong thời gian qua, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật Thủ đô: Không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, không tăng giường bệnh như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức…).
Đồng thời thực hiện theo nhu cầu thực tiễn của các Bộ ngành, Thành phố cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, các cơ quan đơn vị để phục vụ di dời như: Tổng số cơ sở bệnh viện đã và đang thực hiện di dời là 8 cơ sở, trong đó, 2 cơ sở đã đi vào sử dụng là Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ. Thành phố đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc (quy mô 279,5ha). Đến nay mới có 1 trường được giới thiệu di dời đến khu vực này (Khoa Luật thuộc đại học Quốc gia Hà Nội). Trường Đại học Y tế Công cộng đang thực hiện di dời, tuy nhiên, khu đất sau di dời tại số 138B Giảng Võ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bán chỉ định, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Thành phố đã phối hợp với các Bộ và cơ quan giới thiệu, bố trí quỹ đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý và 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Về công tác di dời các cơ sở công nghiệp, Thành phố đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, đã tổ chức phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời (di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường; di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch tạo quỹ đất để Thành phố bổ sung công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường..).
Lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 1: 4 quận nội thành gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; Giai đoạn 2: di dời các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch; Giai đoạn 3: di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; Giai đoạn 4: di dời các cơ sở còn lại. Hiện thành phố đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 346.000m2; trong đó diện tích xây dựng nhà ở là 141.862m2; diện tích đất trường học là 39.136m2; diện đích đất hạ tầng kỹ thuật là 150.258m2; diện tích đất thương mại, dịch vụ là 11.238m2.