Nhiều qui định đem đến thuận lợi cho người dân

Các đạo luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 có nhiều qui định đem đến thuận lợi, bảo đảm quyền con người và quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Luật Công chứng mới có nhiều thuận lợi cho người dân
Luật Công chứng mới có nhiều thuận lợi cho người dân

Trong đó có 3 đạo luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo là Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ), Luật Công chứng (CC) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật này đã được Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố hôm qua (10/7). Trừ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu  lực từ ngày 26/6/2014, Luật HN&GĐ và Luật CC cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Không thừa nhận hôn nhân đồng tính

Luật HN&GĐ sửa đổi qui định “nam phải đủ từ 20 tuổi, nữ phải đủ từ 18 tuổi mới có quyền kết hôn” để có sự thống nhất trong cách tính tuổi của người kết hôn, bỏ qui định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa hai người khác giới tính, Khoản 2 Điều 8 qui định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, trong quá trình chung sống, nếu phát sinh tranh chấp thì được giải quyết theo các qui định hiện hành, trong đó có Bộ luật Dân sự theo nguyên tắc “chia đôi đối với những tài sản cùng tạo lập, hoặc căn cứ vào khả năng đóng góp của mỗi người, Tòa án sẽ xem xét giải quyết, tài sản của ai là của người ấy”.

Để giải quyết đầy đủ và hợp lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn từ việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, Luật mới đưa ra nguyên tắc việc chung sống như vợ chồng của nam, nữ mà không đăng ký kết hôn không làm phát sinh quan hệ vợ chồng, đồng thời qui định việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Một trong những điểm mới rất quan trọng của Luật HN&GĐ là bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con. Cùng với đó, Luật cũng qui định nhiều điều kiện chặt chẽ cho việc mang thai hộ, quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ và những vấn đề khác có liên quan.

Ngoài ra, Luật đã bổ sung qui định về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; sửa đổi, bổ sung các quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình.

Bắt buộc bảo hiểm nghề nghiệp của công chứng viên

Luật Công chứng năm 2014 tập trung qui định về công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề CC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, phát triển các tổ chức hành nghề CC qui mô lớn, hoạt động ổn định, bền vững, nâng cao chất lượng hoạt động CC, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động CC, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.

Với ý nghĩa đó, phạm vi CC theo Luật CC năm 2014 được mở rộng hơn Luật CC 2006, giao cho CCV thực hiện CC bản dịch, chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch mà mình CC nhằm nâng cao chất lượng bản dịch, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức có yêu cầu chứng nhận bản dịch.

Nhằm nâng cao chất lượng và sự phát triển bền vững của đội ngũ CCV, Luật CC năm 2014 qui định chặt hơn về tiêu chuẩn CCV, tăng thời hạn đào tạo CCV lên thành 12 tháng, qui định người được miễn đào tạo nghề CC phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trước khi được bổ nhiệm và chỉ được giảm 1/2 thời gian tập sự, tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề CC.

Luật CC năm 2014 tiếp tục ghi nhận 2 loại hình tổ chức hành nghề CC (Phòng CC và văn phòng công chứng – VPCC) song xác định rõ định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động CC, ưu tiên phát triển các VPCC theo qui hoạch tổng thể về tổ chức hành nghề CC, qui định về việc chuyển nhượng VPCC với những điều  kiện, thủ tục chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, ổn định của hoạt động CC.

Nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu CC, giảm bớt áp lực cho tổ chức hành nghề CC và CCV trong quá trình hành nghề, tránh tình trạng đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm bồi thường, Luật qui định rõ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là bắt buộc.

Các qui định về thủ tục CC hợp đồng, giao dịch, bản dịch, phí CC, thù lao CC và chi phí khác được qui định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ hơn, khắc phục tình trạng một số tổ chức hành nghề CC trong thời gian qua đã thu thù lao, chi phí CC không  phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người yêu cầu CC

Bảo đảm lợi ích thiết thực của người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Đó là một trong những mục tiêu mà Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam hướng tới. So với Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam không qui định về thời hạn đăng ký giữ Quốc tịch VIệt Nam và bổ sung qui định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo qui định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam”.

Qui định như vậy nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Việc sửa đổi sẽ không tạo áp lực về thời gian đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, đồng thời gắn kết với việc cấp hộ chiếu Việt Nam cho người đăng ký sẽ bảo đảm tốt hơn lợi ích thiết thực của người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Theo baophapluat.vn